Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Câu hỏi liên quan đến Cây mật gấu

Cây Mật gấu Hiện nay, có nhiều câu hỏi liên quan đến một cây mà dân gian gọi là “Cây Mật gấu”.
Đó là cây gì? Hình dạng và tác dụng ra sao? Mua ở đâu? Và trồng như thế nào? Hoặc, tôi có một khúc cây Mật gấu (màu vàng từ trong ra ngoài) định ngâm rượu, nhưng không biết phải làm thế nào? Lại có ý kiến giải đáp ngay trên mạng: Cây Mật gấu là cây Gấc (!).
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như Bắc Kạn, Cao Bằng cũng có một cây thuốc mà người dân gọi là “cây Mật gấu”. Dược liệu này được thu hái ngay tại địa phương, và bán ở các nhà hàng dọc quốc lộ thuộc hai tỉnh trên (dưới dạng những đoạn thân cây, hay đã chặt nhỏ, đựng trong túi nilon).
Đó chính là cây Hoàng liên ô rô, còn gọi là Mã hồ, Thích hoàng liên, Tông plềnh (H’ Mông). Tên khoa học là Mahonia neplensis DC., thuộc họ Hoàng liên gai (Berberidceae).
Cây gỗ nhỏ, có thể cao 4 – 6m. Lá kép hình lông chim lẻ, mọc so le, dài 20 – 40 cm, mang 11 – 25 lá chét cứng không cuống, hình trái xoan hẹp, dài 6 – 10cm, rộng 2 – 4,5cm, gốc tròn, đầu lá nhọn như gai, mép có răng nhọn; gân chính 3. Lá kèm nhọn như hai gai nhỏ. Các cụm ho ở ngọn thân, mang nhiều hoa màu vàng nhạt; lá đài 9, xếp thành 3 vòng; cánh ho 6, có tuyến ở gốc; nhị 6; bầu hình trụ. Quả thịt, hình trái xoan, đường kính khoảng 1cm, đầu quả có núm nhọn, khi chín màu xanh nâu, chứa 3 – 5 hạt. Mùa hoa: tháng 2 – 4, quả: tháng 5 – 6.
Ở Việt Nam, cây Hoàng liên ô rô mọc hoang, thường gặp ở một số tỉnh vùng núi cao và mát như Cao Bằng, Lào Cai (Phan Si Pan), Lai Châu, Bắc Kạn, Lâm Đồng (Lang Bian)…. Ngoài ra, còn có ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Nepal, Ấn Độ… Người ta dùng lá, thân, rễ và quả để làm thuốc. Thân và lá thu hái quanh năm, rửa sạch, phơi khô. Gỗ của thân và rễ có màu vàng nhạt, vị rất đắng như mật gấu, vì vạy mà có tên là “cây Mật gấu”.
Trong cây có các alcoloid nhóm benzyl isoquinolein: gồm berberin, berbamin, oxyacanthin, isotetrandin, palmatin và jatrorrhizin… Rễ còn chứa umbellatin (0,48%) và neprotin. Quả cũng có berberin và jatrorrhizin.
Theo Đông y, Hoàng liên ô rô có vị đắng, tính mát, vào 4 kinh phế, vị, can, thận; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm làm se. Người ta thường dùng rễ hoặc thân sắc uống (10 – 20g), hay phối hợp với các vị thuốc khác để chữa kiết lỵ, viêm ruột, tiêu chảy, viêm gan vàng da, mắt đau sưng đỏ. Dùng lá hay quả (8 – 12g) sắc uống, hay phối hợp với các vị thuốc khác. Nó còn được dùng chữa sốt cơn, ho lao, khạc ra máu, lưng gối yếu mỏi, chóng mặt, ù tai, mất ngủ. Dùng ngoài, nấu nước đặc để rửa, chữa viêm da dị ứng, lở ngứa. Ở Ấn Độ người ta dùng quả trị kiết lỵ, lợi tiểu, làm dịu và kích thích.
Ngoài cây nói trên, ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc còn có loài Mahonia bealei (Fort). Carr., cũng có những alcaloid chính tương tự, và cũng được dùng như Hoàng liên ô rô.
Chú ý: không nhầm lẫn với cây Gáo đỏ, hay Vàng kiêng dỏ, cũng có tên là ‘cây Mật gấu’, tên khoa học là Neonauclea purpurea (Roxb.) Merr., họ Cà phê (Rubiaceae). Đây là cây gỗ cao 10 – 15m, mọc ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Vị rất đắng. Gỗ dùng trong xây dựng. Theo cố Lương y L. T. Đức thì cành và vỏ cây này dùng làm thuốc chữa đau họng, viêm amydal, viêm ruột lỵ, viêm đường tiết niệu; dùng 20 – 40 g sắc uống. Cành lá tươi nấu nước, ngâm rửa, chữa lở ngứa, lở chàm, chảy nước vì viêm da.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét